Thời kỳ trị vì giữa Lưu_Tống_Văn_Đế

Mùa xuân năm 434, tướng Lưu Tống là Tiêu Tư Thoại (蕭思話) có thể đánh bại quân của Dương Nan Đương và tái chiếm Lương châu. Ngay sau đó, Dương Nan Đương bày tỏ tạ lỗi, và cũng do không sẵn lòng để mất đi một đồng minh tiềm tàng trong việc chống lại Bắc Ngụy, Văn Đế chấp thuận lời tạ lỗi của Cừu Trì.

Năm 435, hoàng đế Phùng Hoằng của Bắc Yên [là nước bị Bắc Ngụy tấn công không ngớt] xin làm chư hầu của Lưu Tống để tìm kiếm hỗ trợ, và Văn Đế phong cho Phùng Hoằng là Yên vương. Tuy nhiên, Văn Đế không thể cung cấp hỗ trợ thực tế cho Bắc Yên, và Phùng Hoằng phải di tản nhà nước và chạy trốn đến Cao Câu Ly vào năm 436.

Khoảng thời gian này, một cuộc đấu tranh chính trị nội bộ bắt đầu phát triển trong phạm vi quản lý của Văn Đế. Ghen tị với việc Văn Đế ban quyền lực rất lớn cho Ân Cảnh Nhân, Lưu Trạm (劉湛) cố gắng bêu xấu Ân Cảnh Nhân, Lưu Trạm cố lấy lòng Lưu Nghĩa Khang để có thể dùng quyền lực của tể tướng nhằm trục xuất Ân ra khỏi triều đình. Ân Cảnh Nhân không sẵn sàng để tranh đấu với Lưu Trạm nên quyết định cáo bệnh xin từ nhiệm, song Văn Đế từ chối và chỉ cho Ân nghỉ phép dưỡng bệnh tại gia. Tuy nhiên, triều đình phân chia thành hai phe, một phe do Lưu Trạm đứng đầu và ủng hộ Lưu Nghĩa Khang, trong khi phe còn lại chống Lưu Nghĩa Khang.

Năm 436, Văn Đế bị bệnh rất nặng. Trong lúc dưỡng bệnh, Lưu Trạm thuyết phục Lưu Nghĩa Khang rằng nếu Văn Đế băng hà thì sẽ không còn một ai kiểm soát được Đàn Đạo Tế, và do đó Lưu Nghĩa Khang triệu hồi Đàn Đạo Tế [đang giữ chức tại Giang Châu (江州, nay là Giang TâyPhúc Kiến)]. Sau khi Đàn Đạo Tế đến Kiến Khang, Văn Đế cảm thấy bệnh tình tiến triển theo chiều hướng tốt hơn và cho Đàn Đạo Tế trở về vị trí trấn thủ, song bệnh tình Văn Đế sau lại đột ngột xấu đi. Lúc này, Đàn Đạo Tế ở trên bến tàu để sẵn sàng khởi hành đi Giang Châu, Lưu Nghĩa Khang lại giả chiếu triệu Đàn Đạo Tế trở về Kiến Khang và cho bắt giữ. Lưu Nghĩa Khang và thuộc hạ nhân danh Văn Đế hạ chiếu thư khép Đàn Đạo Tế vào tội tụ tập bọn người xấu để toan làm phản rồi xử tội chết cùng với các con trai, song các cháu nội được tha. (Khi Đàn Đạo Tế bị bắt giữ, Đàn Đạo Tế phẫn nộ tột cùng, trợn mắt, lột khăn trên đầu ném xuống đất và nói một cách cay đắng, "Các ngươi đang phá hoại Vạn Lý Trường Thành của mình." Khi các tướng lĩnh Bắc Ngụy hay tin về việc Đàn Đạo Tế bị giết, họ vui mừng chúc tụng nhau. Các sử sách truyền thống giảm thiểu sự tham gia của Văn Đế đối với cái chết của Đàn Đạo Tế, nhưng các sự kiện tiếp theo cho thấy rằng Lưu Nghĩa Khang hành động với sự chấp thuận hoàn toàn của Văn Đế.)

Mùa xuân năm 437, Văn Đế nghiêm túc xem xét về đề nghị của Bắc Ngụy Thái Vũ Đế, đầu tiên là vào năm 431 và sau đó vào năm 433, rằng hai hoàng tộc nên có một mối quan hệ hôn nhân đặc biệt, theo đó sẽ một con gái của Văn Đế sẽ được gả cho Thái tử Thác Bạt Hoảng của Thái Vũ Đế. Văn Đế cử Lưu Hi Bá (劉熙伯) đến Bắc Ngụy để thương lượng về các điều khoản của cuộc hôn nhân. Tuy nhiên, ngay sau đó, vị công chúa này qua đời nên đề nghị này cũng bị ngưng lại.

Đến năm 437, Thục vương Trình Đạo Dưỡng cuối cùng bị bắt và bị giết chết, chấm dứt cuộc nổi loạn kéo dài bảy năm.

Năm 438, Văn Đế cho xây một học đường để khuyến khích các thư sinh học các tác phẩm nổi tiếng. Ông lập ra bốn môn học trong học đường này:

Sử gia Tư Mã Quang, tác giả của Tư trị thông giám, bình luận về tình hình Lưu Tống vào thời điểm này:

[Văn] Đế là người nhân hậu và cung kiệm, siêng năng chính trực, tuân theo pháp luật, không chê bai thái quá và sẵn sàng đón nhận người khác, song ông cũng không buông lỏng họ. Các bá quan đều giữ chức trong một nhiệm kỳ dài. Thái thú các quận cùng các huyện lệnh đều có nhiệm kỳ sáu năm. Ông không nông nổi loại bỏ các quan chức khỏi vị trí của họ, và người dân có được cảm giác an toàn. Trong 30 năm trị vì, đế chế của ông ở trong trạng thái thái bình, dân cư tăng lên, và thuế được giới hạn ở một lượng thích hợp, không có thuế thêm. Đàn ông có thể dời nhà để trồng trọt trên đồng ruộng của mình vào ban ngày và trở về nhà để nghỉ ngơi vào buổi tối, không có lao động cưỡng bức, và họ cảm thấy toại nguyện. Có thể nghe thấy tiếng đọc sách trên khắp các miền quê. Những người đàn ông có học giữ gìn đức hạnh của mình, và thậm chí cả những người nông thôn cũng cảm thấy rằng bất cẩn là một điều hổ thẹn. Các phong tục ở khu vực phía nam Trường Giang là tốt đẹp nhất dưới thời ông trị vì. Trong những năm sau đó, khi thảo luận về những điều mà các chính quyền trước đó thực hiện được, tất cả đều khen ngợi về những năm Nguyên Gia [niên hiệu của Văn Đế].

Có thể thấy được sự chú ý của Văn Đế đến năng lực của các quan chức triều đình vào năm 439, khi đó, theo một chiếu chỉ mà Vũ Đế để lại thì các con trai của Vũ Đế sẽ luân phiên làm thứ sử Kinh Châu (theo độ tuổi), Nam Tiếu vương Lưu Nghĩa Tuyên (劉義宣) sẽ trở thành thứ sử Kinh Châu. Tuy nhiên, do Văn Đế tin rằng Lưu Nghĩa Tuyên bất tài, nên từ chối và bỏ qua hoàng đệ này để trao vị trí thứ sử cho một hoàng đệ khác có tài hơn là Hành Dương vương Lưu Nghĩa Quý (劉義季). (Bảy năm sau đó, sau cái chết của Lưu Nghĩa Quý, và do thúc giục mạnh mẽ từ hoàng tỉ là Hội Kê Tuyên trưởng công chúa Lưu Hưng Đệ (劉興弟), ông cuối cùng phong cho Lưu Nghĩa Tuyên làm thứ sử Kinh Châu, song chỉ bảo cho hoàng đệ này rất nhiều về việc quản lý châu.)

Tuy nhiên, đến năm 440, Lưu Nghĩa Khang [một phần lớn trong thành công của chính quyền Văn Đế có sự đóng góp của ông ta] bị Lưu Trạm xu nịnh rằng ông làm lu mờ sự khác biệt giữa quân và thần. Khi Văn Đế lại lâm bệnh, Lưu Trạm và các thuộc hạ của Lưu Nghĩa Khang là Lưu Bân (劉斌), Vương Lý (王履), Lưu Kính Văn (劉敬文), và Khổng Dận Tú (孔胤秀) bí mật âm mưu để Lưu Nghĩa Khang kế vị Văn Đế, chống lại ước nguyện của Văn Đế về việc Thái tử Thiệu kế vị và Lưu Nghĩa Khang phụ chính. Khi bệnh tình của Văn Đế tốt lên, ông bắt đầu nghi ngờ Lưu Nghĩa Khang muốn thoán nghịch. Vào mùa đông năm 440, Văn Đế ra lệnh quản thúc tại phủ đối với Lưu Nghĩa Khang, đồng thời bắt giữ và hành quyết Lưu Trạm và một số cộng sự khác của Lưu Nghĩa Khang. Sau đó, Văn Đế loại bỏ Lưu Nghĩa Khang khỏi vị trí trong triều đình và đưa đi làm làm thứ sử Giang Châu, và phục hồi quyền lực cho Ân Cảnh Nhân. Ông thay thế Lưu Nghĩa Khang bằng một hoàng đệ khác là Giang Hạ vương Lưu Nghĩa Cung (劉義恭), song Lưu Nghĩa Cung nhận thấy sẽ gặp nguy hiểm nếu nắm giữ quá nhiều quyền lực, nên cố ý không để liên quan nhiều đến việc ra quyết định thực tế. Cũng trong năm đó, Ân Cảnh Nhân qua đời và các trách nhiệm quan trọng được phân cho một vài quan chức.

Năm 441, Dương Nan Đương không sẵn lòng từ bỏ thèm muốn với Lương châu và Ích châu nên tấn công Lưu Tống. Văn Đế cử Bùi Phương Minh và một tướng khác là Lưu Chân Đạo (劉真道) đi đánh Cừu Trì, và đó là lần duy nhất mà Nam triều chiếm đóng Cừu Trì, diễn ra vào năm 442, buộc Dương Nan Đương phải chạy chốn đến Bắc Ngụy. Tuy nhiên, đến năm 443, lãnh địa Cừu Trì rơi vào tay Bắc Ngụy, Bùi Phương Minh và Lưu Chân Đạo bị xử tử vì biển thủ kho báu và ngựa từ Cừu Trì trong chiến dịch từ năm 441 đến 442.